ĐĂNG NHẬP
Quy định xe đua F1 2026 thay đổi những gì mà gây nhiều tranh cãi?

Quy định xe đua F1 2026 thay đổi những gì mà gây nhiều tranh cãi?

Kỷ nguyên 2022 kết thúc cũng là lúc những chiếc xe 2026 lên ngôi. FIA đang liên tục đưa ra những thay đổi trong bộ quy tắc thiết kế xe đua F1 của mình.

31 Tháng 05, 2024

Những cuộc thảo luận về các quy tắc dành cho những chiếc xe năm 2026 của F1 đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn, khi mà thời hạn công bố các quy định sắp đến vào tháng 6.

Hiện tại, người ta suy đoán và lo ngại rằng liệu các quy tắc về khung gầm mới có vấn đề gì hay không, do chúng có thể tạo ra khá nhiều rắc rối cho động cơ V6 turbo-hybrid.

Trong khoảng một năm qua, đã có nhiều bình luận khác nhau được đưa ra. Ví dụ, các tay đua phải trả số trên đoạn đường thẳng để sạc ắc qui, hay rủi ro đến từ hệ thống khí động học chủ động phức tạp và cả những chiếc xe nặng nề.

Red Bull là đội đi đầu trong việc chỉ trích những quy tắc mới, ban đầu là về sự phân chia gần 50/50 giữa công suất động cơ điện và động cơ đốt trong.

1. Mục tiêu của kỷ nguyên xe đua 2026

Các quy tắc nói trên thực ra đã bắt đầu hình thành từ năm 2020, trong đó các cuộc thảo luận sơ bộ thậm chí còn được tổ chức sớm hơn. Mục tiêu cho bộ động cơ năm 2026 là giảm chi phí đáng kể (được coi như một cách để những đội đua mới có thể cạnh tranh).

Để có thể giúp đạt được mục tiêu đó, sẽ có những hạn chế về thời lượng mà các nhà cung cấp bộ động cơ có thể phát triển sản phẩm trên dàn dyno (máy đo công suất động cơ) và số tiền họ có thể chi tiêu.

Những nhà cung cấp động cơ cho các đội tại F1 2026. Ảnh: The Race

Cùng với các nhà cung cấp hiện tại là Mercedes, Ferrari và Renault, Audi đã cam kết tham gia F1 vào năm 2026. Trong khi đó, Honda cũng đã quyết định trở lại sau khi ngừng hoạt động về mặt kỹ thuật vào cuối năm 2021. Tương tự, Ford đã hợp tác với công ty Red Bull Powertrains để tạo ra bộ động cơ Red Bull F1 đầu tiên.

Đối với phần khung gầm, vẫn chưa có bất kỳ khung quy tắc kỹ thuật nào cho chiếc xe năm 2026. Vấn đề này hiện vẫn đang được thảo luận, và những hoạt động nghiên cứu khí động học thì cũng đã bị cấm cho đến đầu năm 2025.

Tuy nhiên, điều mà ai cũng biết là F1 muốn tạo ra những chiếc xe có khả năng đua tốt hơn với lực cản được giảm đáng kể, chiều dài ngắn hơn, hẹp hơn và nhẹ hơn, chú trọng vào tính bền vững về mặt chi phí, đồng thời hệ thống an toàn cũng được cải thiện.

2. Động cơ xe đua sẽ ra sao?

Chiếc xe năm 2026 sẽ có động cơ mới với tỷ lệ phân chia gần như 50/50 giữa việc sử dụng động cơ đốt trong và sử dụng năng lượng điện. Bộ động cơ được loại bỏ thành phần MGU-H phức tạp và được nâng cấp mạnh mẽ MGU-K lên công suất đạt 350kW (tương đương khoảng 469 mã lực).

Sơ lược về động cơ của những chiếc xe F1 cho kỷ nguyên 2026. Ảnh: The Race

Loại bỏ MGU-H chính là thay đổi quan trọng nhất. Thành phần này chuyển đổi lượng nhiệt lãng phí thành năng lượng điện và hoạt động như một hệ thống chống trễ tinh vi cho bộ tăng áp. Thế nhưng, MGU-H được cho là quá phức tạp và không liên quan nhiều đến định hướng mới đối với các nhà cung cấp động cơ.

Thành phần này cũng đang mang lại lợi thế lớn cho các nhà cung cấp động cơ hiện tại, trong khi F1 thì đang muốn đưa các nhà cung cấp mới vào tham gia đường đua.

Cách thiết lập hybrid hiện tại cho những chiếc xe F1. Ảnh: The Race

Ở khía cạnh khác, việc nâng cấp bộ MGU-K không chỉ bù đắp sự mất mát của MGU-H mà còn tăng công suất điện đầu ra, đồng nghĩa với nguồn ắc-qui lớn hơn. Bộ động cơ 2026 cũng sẽ đi kèm với một hệ thống hỗ trợ vượt xe mới.

Mức triển khai của MGU-K sẽ giảm dần ở tốc độ 340 km/h, một con số được tính toán cùng với các biên dạng cản. Tuy nhiên, khi được kích hoạt thủ công, MGU-K sẽ tiếp tục giải phóng công suất tối đa 350kW ở tốc độ cao hơn.

Giới hạn công suất khi kích hoạt MGU-K. Ảnh: The Race

Việc kích hoạt bằng tay MGU-K là nhằm mục đích giúp xe phía sau tiếp tục bám sát xe phía trước, ngay cả khi lực cản và DRS hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời, hành động này cũng giúp tay đua tiến đến xe trước đủ gần để tấn công khi vào vùng giảm tốc.

3. Chiến thuật pin sẽ như thế nào?

Gần đây, Adrian Newey – giám đốc công nghệ tại Red Bull đã tuyên bố rằng các bộ động cơ mới sẽ “hoạt động hết công suất như máy phát điện” cho hệ thống tái sinh năng lượng. Ví dụ, vòng tua của động cơ sẽ lên cao giữa những góc cua tay áo như ở Monaco.

Chiếc Alpine A523 tại GP Monaco 2023. Ảnh: The Race

Kỷ nguyên hybrid của F1 chắc chắn đã đặt trọng tâm lớn vào việc tái sinh năng lượng. Đây sẽ tiếp tục là một thách thức mới, độc đáo hơn về mặt kỹ thuật cho năm 2026, khi mà xe sẽ được trang bị một loại ắc qui lớn hơn, cùng với bộ ERS đã được sửa đổi.

Trong giai đoạn đầu của quá trình mô phỏng thử nghiệm các quy tắc cho bộ động cơ, có ý kiến cho rằng năng lượng điện sẽ chỉ hữu ích cho một phần rất nhỏ trên đoạn đường thẳng.

Nhưng tới cuối năm ngoái quan điểm này đã không còn đúng nữa, vì những vấn đề đã được phát hiện sớm và đều được giải quyết.

4. Khí động học chủ động (active aero)

Hệ thống giảm lực cản (DRS) vẫn sẽ được duy trì trên những chiếc xe 2026 và tính năng khí động học chủ động thì cũng sắp được ra mắt, nhưng có thể nó sẽ không phức tạp như khi được thiết kế.

Ban đầu, một số người cho rằng hệ thống khí động học chủ động có thể làm giảm tốc độ chiếc xe phía trước bằng một loại “DRS ngược” nào đó. Cơ chế này đã bị FIA dứt khoát bác bỏ ngay lập tức.

Những khu vực thay đổi trên xe F1 cho năm 2026. Ảnh: The Race

Vậy hệ thống khí động học chủ động sẽ bao gồm những gì? Đầu tiên, xe vẫn sẽ có thành phần DRS, nhưng tác dụng của cánh đuôi sẽ được giảm bớt khi xe ở chế độ “lực cản thấp”.

Ngoài ra, xe sẽ chỉ có thêm một yếu tố khí động học chủ động duy nhất khác. Đó là giảm downforce ở phía đầu xe khi ở chế độ lực cản thấp (nhằm cân bằng lại chiếc xe).

Active aero sẽ chỉ được sử dụng trong các khu vực chỉ định, rất có thể là trên đoạn đường thẳng (như với DRS hiện tại) và không được phép tùy chỉnh khi đang trong một vòng đua.

Nhưng do đâu mà hệ thống khí động học chủ động ra đời?

Hiện tại, ở chế độ lực cản thấp, với lượng momen xoắn đáng kể từ động cơ, những chiếc xe hoàn toàn có thể đạt tốc độ cực cao trong khi có rất ít downforce, đặc biệt nếu đang bật DRS. Hậu quả của việc này là trọng tâm xe bị dịch chuyển nhiều về phía trước.

Minh họa trọng tâm xe khi DRS mở. Ảnh: The Race

Đây chính là nguyên nhân đã làm nảy sinh tin đồn về việc xe bị quay vòng trên đoạn đường thẳng hoặc qua những khúc cua nhỏ. Trong những tình huống đó, các tay đua phải giảm tốc độ của xe xuống ngang với một chiếc F2 để tránh mất kiểm soát.

5. Những chiếc xe nhẹ hơn, ngắn hơn

Một mối lo ngại về tác động của bộ quy định động cơ 2026 là nó sẽ làm tăng trọng lượng của xe trở lại, vì bản thân kích thước bộ động cơ sẽ tăng đáng kể do ắc qui lớn hơn và bộ MGU-K.

Danh sách những thay đổi về trọng lượng các bộ phận cho thế hệ xe năm 2026. Ảnh: The Race

Cụ thể, MGU-K được tăng tổng trọng lượng từ 7 kg lên 20 kg, trong khi bộ ắc qui nâng trọng lượng tối thiểu từ khoảng 20 - 25 kg lên 35 kg. Ngay cả khi không có bộ MGU-H (giúp tiết kiệm 4 kg), một số thay đổi phụ trợ khác sẽ nâng tổng trọng lượng của động cơ từ 151 kg lên 185 kg vào năm 2026.

Những thay đổi về mặt kích thước cho thế hệ xe năm 2026 của F1. Ảnh: The Race

Đổi lại, khung xe và các bộ phận khác sẽ được giảm trọng lượng. Những chiếc xe sẽ hẹp hơn 10 cm và ngắn hơn 15 cm, trong khi bánh xe cũng bị thu hẹp lại.

Cùng với việc điều chỉnh một số hệ thống an toàn bên trong xe, trọng lượng khung xe sẽ được giảm khoảng 40 - 50 kg. Như vậy, khi bù trừ cho bộ động cơ, xe sẽ thấp hơn nhưng không nặng hơn.

6. Cột mốc lớn tiếp theo của F1

Các cuộc họp cuối cùng của FIA sẽ là rất quan trọng để xác định phiên bản xe đua đầu tiên của bộ quy định năm 2026. Nhưng nhiều khả năng những thay đổi này sẽ còn được điều chỉnh thêm trong thời gian trước khi kỷ nguyên mới chính thức bắt đầu.

Người ta thực sự lo ngại về chất lượng của cuộc đua mà các quy tắc mới sẽ tạo ra – chủ yếu là lo ngại rằng việc vượt xe sẽ thậm chí còn khó khăn hơn.

So sánh những thay đổi trên chiếc xe cho mùa giải 2026 trở đi và mùa giải hiện tại. Ảnh: The Race

Ở phía ngược lại, FIA tin rằng đặc tính cản của những chiếc xe năm 2026 vẫn sẽ tạo ra hiệu ứng cản khá tốt. Những điều luật như mức độ hỗ trợ mà DRS được phép can thiệp, hoặc DRS được phép kích hoạt trong bao lâu, có thể được sử dụng bao nhiêu lần… sẽ chỉ được thiết lập sau khi các quy tắc khung gầm cuối cùng được hoàn tất.

Tóm lại, việc bổ sung một số điều luật vào bộ quy tắc về bộ động cơ chỉ là bước đầu tiên của FIA. Cột mốc tiếp theo mà chúng ta đều đang hướng tới là việc FIA sẽ chính thức thông qua các quy định về khung gầm vào tháng 6 tới.

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Luật đua
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
295
2
lando norris
238
3
charles leclerc
212
4
oscar piastri
195
5
carlos sainz
180
6
lewis hamilton
157
7
sergio pérez
137
8
george russell
127
9
fernando alonso
50
10
lance stroll
24
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.