ĐĂNG NHẬP
Phân tích kỹ thuật cho thấy Mercedes ‘không có cửa’ trước Red Bull

Phân tích kỹ thuật cho thấy Mercedes ‘không có cửa’ trước Red Bull

Trước nhiều bất lợi chồng chất, Hamilton cho thấy chiếc W12 của mình ‘hụt hơi’ khá nhiều so với RB16B của Verstappen.

09 Tháng 11, 2021

Ngay từ đầu, chúng ta đều đã biết rằng GP Mexico sẽ là một chặng khó khăn đối với Mercedes. Hiệu suất của hai đội qua các vòng luyện tập đã sớm cho thấy điều này. Một vài hy vọng đã được nhen nhóm cho những Mũi tên Bạc khi Valtteri Bottas (BOT) và Lewis Hamilton (HAM) giành được hai vị trí xuất phát ở hàng đầu sau vòng loại.

Tuy nhiên, điều kỳ tích đã không xảy ra. Những lóng ngóng trong tình huống chọn vị trí vào cua của BOT và HAM đã khiến Mercedes đánh mất lợi thế ngay ở những giây đầu tiên của chặng. Mercedes sớm mất BOT (coi như không còn khả năng cạnh tranh sau va chạm), còn HAM thì không thể giữ được lợi thế mỏng manh của mình.

American Post

Tạm bỏ qua kết quả chung cuộc và những kỷ lục mới do VER và PER thiết lập, sau đây là những phân tích kỹ thuật liên quan đến GP Mexico để chúng ta thấy được Mercedes đã “hụt hơi” so với Red Bull nhiều như thế nào. Bài phân tích được thực hiện độc quyền bởi Otoman.

1. Bất lợi chồng chất cho Mercedes

Thứ nhất, chúng ta đều biết Segrio Pérez (PER) là một tay đua người Mexico. Đây là chặng mà người ta rất kỳ vọng vào PER, vì một chiến thắng tại quê nhà luôn là điều tuyệt vời nhất của mọi tay đua F1. Số lượng người xem trực tiếp tại Autódromo Hermanos Rodríguez được ghi nhận trong vòng đua chính là 140,000 người. Đây có thể xem là nguồn sức mạnh lớn nhất cho không chỉ PER mà còn là toàn đội Red Bull. Ngược lại, đó là áp lực khổng lồ đè lên phía bên kia chiến tuyến – Mercedes.

Racing News 365

Thứ hai, xét theo khía cạnh phân loại đường đua, thì Autódromo Hermanos Rodríguez thuộc nhóm đường đua downforce. Với một đường đua downforce, xe nào có thiết kế thiên về khí động học nhiều hơn sẽ hưởng lợi nhiều hơn. RB16B là một chiếc xe như thế. Và theo lý thuyết, RB16B chạy trên đường đua tại Mexico thì chẳng khác gì “hổ mọc thêm cánh” vậy.

Đường đua downforce là một dạng đường đua mà hầu như hiệu suất của xe được quy về lực downforce mà nó tạo ra thay vì là do sức mạnh của động cơ. Đường đua downforce thường có ít đoạn thẳng hơn, đồng thời các đoạn ngắn hơn so với đường đua có downforce thấp (tập trung nhiều hơn vào các góc cua).

Tất nhiên, khu vực 1 (sector 1) của Autódromo Hermanos Rodríguez vẫn là một đoạn thẳng dài và những chiếc W12 của Mercedes vẫn có một chút lợi thế ở đây. Lợi thế này đến từ sức mạnh đơn vị năng lượng (power unit), kết hợp với mức drag thấp của W12. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng chặng này nằm ở độ cao hơn 2,200 m so với mực nước biển, và cứ lên cao 100 m thì công suất động cơ lại giảm đi 1%.

Racefans

Như vậy, Mercedes gần như không còn cơ sở để tự tin vào khu vực 1 nữa. Khi mọi chiếc xe đều mất đi 22% công suất của mình, W12 là chiếc mất nhiều sức mạnh nhất. Chưa hết, Autódromo Hermanos Rodríguez là một trong những đường đua ngắn nhất của F1, với độ dài một lap đua chỉ là 4.3 km. Điều này có nghĩa là trên thực tế, khu vực 1 tuy thẳng nhưng lại không hề dài. Do đó, chiếc W12 đã mất nhiều công suất, lại còn chạy trên một đoạn thẳng tương đối ngắn thì hoàn toàn là vô nghĩa.

Đó chính là lý do vì sao GP Mexico là bài toán khó với Mercedes, và chiến thắng của họ ở đây (nếu có) sẽ như là một điều kỳ tích vậy.

2. Hamilton đơn giản là “không có cửa” trước Verstappen

Như đã nói từ đầu, BOT va chạm sớm ở đầu chặng và gần như không còn cơ hội cạnh tranh cho podium. Vì thế, hãy tạm bỏ qua tay đua người Phần Lan và cùng so sánh hiệu suất của ba tay đua còn lại: VER, PER và HAM.

Tất nhiên, hai tay đua của Red Bull thay nhau nắm giữ vị trí P1 từ đầu đến cuối chặng. Do đó, sẽ không có gì để bàn về diễn biến giành giật vị trí. Thay vào đó, chúng ta sẽ so sánh khoảng cách (về mặt thời gian) giữa 3 tay đua này so với vị trí P1 qua từng lap. Biểu đồ dưới đây cho chúng ta một cái nhìn tổng quan nhất.

Racefans

Một lần nữa, khi nhìn vào biểu đồ trên, chúng ta lại có thể khẳng định rằng ở GP Mexico, HAM gần như “không có cửa” với VER. Hiệu suất của VER ở chặng này là trên cả khủng khiếp, khi anh liên tục cải thiện tốc độ và dần bỏ xa hai vị trí còn lại qua từng lap. Xu hướng tăng dần khoảng cách giữa HAM – VER (đường màu xanh) đã cho thấy chiếc W12 đã “hụt hơi” dần theo thời gian nhiều như thế nào.

Thậm chí, ngay cả khi đã thay lốp ở Lap 29, HAM cũng không thể rút ngắn được khoảng cách này. Cụ thể, ở Lap 28 (trước khi HAM vào pit), khoảng cách giữa 2 đại kình địch này là 9.18 s. Đến Lap 40 (sau khi VER đã thay lốp và trở lại vị trí P1), khoảng cách này thậm chí còn gia tăng lên là 9.5 s.

Give Me Sport

Có lẽ ngay ở thời điểm này thì bên trong đường pit, khi nhìn vào một dạng biểu đồ nào đó tương tự như trên, đội kỹ thuật của Mercedes đã từ bỏ hoàn toàn hy vọng giành chiến thắng. Khi đó, mục tiêu còn lại chỉ là giữ chân PER ở P3 và hướng tới 18 điểm cùng P2 cho HAM mà thôi.

3. Hamilton mỏng manh trước Pérez

Nhưng kể cả là so với PER (khả năng tận dụng RB16B kém hơn VER), hiệu suất của HAM cũng cho thấy sự bất ổn.

Trước khi thực hiện phép so sánh, cần phải nhắc lại là chiến thuật lốp của HAM và PER không khác biệt quá nhiều. Cả hai tay đua đều sử dụng bộ lốp trung bình với vật liệu (compound) C3, đồng thời đều chỉ pit một lần. Khác biệt duy nhất là HAM pit ở Lap 29, trong khi PER pit ở Lap 40. Dưới đây là diễn biến khoảng cách giữa HAM và PER theo từng lap, trong đó giá trị dương biểu thị HAM dẫn trước PER, giá trị âm biểu thị PER dẫn trước HAM.

Racefans

Nhận xét đầu tiên có thể rút ra từ biểu đồ là: HAM dẫn trước PER ở phần lớn chặng đua, cụ thể là ở Lap 1 - 28 (tạm gọi là đoạn A) và Lap 41 - 71 (tạm gọi là đoạn C). Giai đoạn PER vượt lên là từ Lap 29 - 40 (tạm gọi là đoạn B – khoảng thời gian giữa hai thời điểm HAM và PER vào pit). Chúng ta sẽ phân tích kỹ hơn một chút hiệu suất của 2 xe trong các đoạn A, B, C.

Ở đoạn A: Trước khi lốp mòn đi, HAM đã cho thấy tốc độ khá tốt khi liên tục dẫn trước PER. Ngay từ Lap 1, khoảng cách đã là 1.02 s (nhờ việc HAM xuất phát ở P2, còn PER là P4). Sau đó, HAM gia tăng dần khoảng cách và bỏ lại PER ở phía sau kém hơn 2.66 s tại Lap 28, trước khi vào pit ở Lap 29. Về cơ bản, đoạn này không có nhiều biến động và HAM vẫn còn giữ được lợi thế xuất phát trên của mình.

Otoman

Ở đoạn B: Đây là đoạn cho thấy sự khác biệt rõ rệt nhất về hiệu suất giữa HAM và PER, tất nhiên tính toán sẽ phức tạp hơn vì tác động không đồng đều của hai bộ lốp (mới trên xe HAM, cũ trên xe PER). Tuy nhiên, về cơ bản, ta có thể thấy khả năng tận dụng thời điểm của PER là tốt hơn HAM tương đối nhiều.

Cụ thể, sau khi HAM pit, PER nhanh chóng vượt lên và tối đa cách biệt của mình với HAM (lúc này ở phía sau) đến 25.85 s ở Lap 33. Như vậy, từ vị thế bị dẫn 2.66 s ở Lap 28, PER đã lấy lại 28.51 s (25.85 + 2.66) chỉ trong 5 lap. Theo tỷ lệ, lúc này có thể coi PER chạy nhanh hơn tương đối so với HAM là 5.7 s/lap (trong khoảng Lap 28 - 33).

Otoman

Khi bộ lốp mới của HAM bắt đầu bám đường nhiều hơn (và lốp của PER cũng mòn dần), HAM dần thu hẹp khoảng cách từ Lap 33. Từ đây cho đến Lap 41 (tức sau khi PER vào pit), HAM từ vị thế bị dẫn 25.85 s đã vọt lên dẫn 9.58 s, tức anh lấy lại 35.43 s trong 8 lap. Như vậy, cũng theo tỷ lệ, ta có thể coi HAM chạy nhanh hơn tương đối so với PER là 4.4 s/lap (trong khoảng Lap 33 - 41).

Nếu so với con số 5.7 s/lap ở trên thì rõ ràng, hiệu suất tận dụng lốp mới của PER tốt hơn HAM đến gần 30%. Và đó là lý do mà HAM đã rất chật vật để giữ chân PER ở đoạn C.

Ở đoạn C: Từ khoảng cách 9.58 s ở Lap 41, PER với bộ lốp mới (mới hơn 11 lap) đã thu hẹp khoảng cách nhanh chóng. PER nhanh đến nỗi đã có thời điểm khoảng cách này chỉ còn 0.72 s (ở Lap 61), hay sau đó là 0.82 s (ở Lap 70). Thực sự đến lúc này, cuộc cạnh tranh cho P2 trở nên kịch tính hơn bao giờ hết. Áp lực từ phía sau và áp lực từ 140,000 khán giả xem trực tiếp đặt lên HAM là vô cùng lớn.

Otoman

Cuối cùng, HAM vẫn có thể trụ vững và về đích ở P2, với khoảng cách 1.2 s so với PER. Xuất phát trên 2 vị trí, dẫn trước 1.02 s ở Lap 1, và về đích trước chỉ 1.2 s ở Lap 71 – chỉ như vậy thôi cũng đã có thể hình dung khó khăn của HAM là như thế nào. Ngay cả đường xu hướng (trendline, nét đứt) trong biểu đồ trên cũng cho ta cảm giác rằng, có lẽ chặng chỉ cần diễn ra thêm khoảng 5 lap nữa thôi thì PER sẽ bắt kịp HAM.

4. Kết luận

Kết hợp cả những diễn biến thực tế theo dõi trên đường đua và những số liệu phân tích kỹ thuật trên đây, hẳn chúng ta có thể thấy được Red Bull ở GP Mexico mạnh như thế nào. Tuy nhiên, công bằng mà nói, đây lại là một chặng đua tốt đối với HAM.

Như đã nói, HAM hay BOT nếu giành chiến thắng ở Mexico chắc chắn là một điều kỳ tích. Tuy nhiên, phép màu không xảy ra thì luôn là điều bình thường. Thậm chí, Mercedes đã hết lời ca ngợi HAM vì anh đã làm hết sức mình và P2 cũng đã là một thành công của đội. Lý do là bởi vì, thực chất ngay từ đầu, mục tiêu của Mercedes ở GP Mexico là cầm chân PER, chứ không phải cạnh tranh với VER.

Bạn nghĩ sao về màn trình diễn của Mercedes tại GP Mexico? Bạn muốn phân tích hiệu suất của tay đua hay đội đua nào khác? Hãy để lại bình luận của mình bên dưới nhé.

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Kỹ thuật
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
295
2
lando norris
238
3
charles leclerc
212
4
oscar piastri
195
5
carlos sainz
180
6
lewis hamilton
157
7
sergio pérez
137
8
george russell
127
9
fernando alonso
50
10
lance stroll
24
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.