ĐĂNG NHẬP
20 siêu xe nổi tiếng nhất trong lịch sử không đi vào sản xuất

20 siêu xe nổi tiếng nhất trong lịch sử không đi vào sản xuất

Siêu xe vốn đã rất khó để bắt gặp trên đường phố hàng ngày, nhưng những mẫu xe trong bài viết dưới đây thậm chí còn hiếm thấy hơn rất nhiều.

05 Tháng 09, 2023

1. Peugeot Quasar (1984)

Nếu được đưa vào sản xuất, Peugeot Quasar đã có thể trở thành mẫu siêu xe tiên phong cho thập niên 1980. Phần thân xe thấp, thanh mảnh đi kèm với cửa cắt kéo – trang bị có thể coi là tiêu chuẩn trên siêu xe ở thời điểm hiện tại.

Peugeot Quasar. Ảnh: Autocar

Xe sử dụng chung nhiều chi tiết cơ khí với Peugeot 205 Turbo - mẫu xe đua động cơ tăng áp đặt giữa, dẫn động bốn bánh đã giúp Peugeot giành chức vô địch giải World Rally Championship.

Với hai bộ tăng áp thay vì chỉ một, cỗ máy 4 xi lanh 1,8L trên Quasar sản sinh công suất 600 hp, con số này cao hơn mẫu Ferrari F40 trên 100 hp. Đáng lưu ý hơn, mẫu “siêu ngựa” của nước Ý còn ra mắt sau Quasar.

2. Audi RS 002 (1986)

Những quy định dành cho phân hạng S (Group S) của giải đua rally quốc tế được đề xuất vào cuối thập niên 1980 dành cho các mẫu xe đua. Tuy chúng không mạnh mẽ bằng những “quái thú” của phân hạng B, nhưng lại độc đáo hơn do các hãng xe được yêu cầu sản xuất những mẫu xe này với số lượng hạn chế hơn.

Audi RS 002. Ảnh: Autocar

Câu trả lời của Audi mang tên gọi RS 002, một siêu phẩm sử dụng động cơ đặt giữa với ngoại hình gần như không giống bất kỳ mẫu xe sản xuất hàng loạt nào vào thời điểm đó.

Sau đó, ban lãnh đạo quyết định chuyển qua phát triển mẫu xe dành cho phân hạng A, vì vậy dự án này bị loại bỏ. Phân hạng S của thể thức đua này đã không được áp dụng, tuy nhiên nếu trở thành sự thật, Audi cần sản xuất ít nhất mười chiếc RS 002 để mở bán.

Điều này tạo ra cơ hội để người hâm mộ trên toàn thế giới tưởng tượng mẫu xe này sẽ trông như thế nào nếu được đi vào sản xuất, và gần như chắc chắn ngoại hình sẽ còn hoàn thiện hơn nữa so với nguyên mẫu độc bản này.

3. Mercedes-Benz C 112 (1991)

Vào năm 1991, bộ ba thương hiệu xe sang nước Đức bao gồm Audi, BMW và Mercedes đều cho ra mắt những mẫu concept siêu xe ấn tượng. Chiếc C 112 gần giống như một sản phẩm thử nghiệm đối với công nghệ kiểm soát chủ động của các hệ thống giảm chấn, đánh lái, khí động học và áp suất lốp.

Mercedes-Benz C 112. Ảnh: Dyler

Đồng thời xe còn được trang bị kiểm soát hành trình thích ứng và thiết kế cửa cánh chim vận hành điện-thủy lực đầy lôi cuốn, được kế thừa từ mẫu Mercedes-Benz 300 SL của thập niên 1950. Khối động cơ được trang bị cho mẫu xe này là V12 6,0L, chỉ vừa mới được lắp trên các mẫu S-Class cùng thời.

Mercedes được cho là đã nhận được 700 đơn đặt hàng cho dòng xe này bất kể với mức giá nào, tuy nhiên công ty đã quyết định C 112 sẽ chỉ dừng lại ở một mẫu concept.

4. Ford GT90 (1995)

Mẫu GT90 được xây dựng trên nền tảng khung gầm nối dài của mẫu Jaguar XJ220 và sử dụng khối động cơ V12 5,9L. Có nhiều nguồn thông tin về việc cỗ máy V12 này được chế tạo như thế nào, nhưng đây thực chất là một biến thể của khối động cơ Ford Modular V8. Với bốn bộ tăng áp, cỗ máy sở hữu công suất lên tới 720 hp.

Jeremy Clarkson trải nghiệm Ford GT90. Video: YouTube/Dangermuffin

Khác với những mẫu Ford GT40 hay GT70, Ford GT90 chỉ dừng lại ở phiên bản concept với lý do được cho là bởi hãng lo ngại nếu đi vào sản xuất, mẫu siêu xe hiệu năng cao đắt đỏ này sẽ cạnh tranh với chính những mẫu xe của Aston Martin – thương hiệu thuộc Ford lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, thiết kế sắc sảo của xe vẫn khác biệt hoàn toàn so với hình ảnh của những mẫu xe phổ thông của Ford ở thời điểm đó, giúp định hình phong cách thiết kế “New Edge” sau này trở thành ngôn ngữ chung của các dòng xe Ford cuối thập niên 1990.

5. Lamborghini Cala (1995)

Có thể nói, không có nhiều dòng xe trải qua chuỗi hành trình dài đầy trắc trở như Lamborghini Cala. Được tạo ra bởi ItalDesign Giugiaro, Lamborghini Cala lần đầu xuất hiện trước công chúng dưới dạng concept tại triển lãm Geneva Motor Show năm 1995 với tư cách là mẫu siêu xe giá rẻ dành cho người mới, định vị dưới Diablo.

Lamborghini Cala. Ảnh: Autocar

Thiết kế xe ban đầu được ủy thác bởi chủ sở hữu của Lamborghini lúc bấy giờ là thương hiệu Chrysler. Sau đó xe được tiếp tục phát triển bởi Megatech, doanh nghiệp đã mua lại Lamborghini vào năm 1994. Tuy nhiên, khi tập đoàn Volkswagen thâu tóm Lamborghini vào năm 1998, concept Cala đã bị loại bỏ thẳng thừng và công cuộc phát triển Gallardo bắt đầu.

Mẫu Cala sử dụng chung cấu hình động cơ V10 với Gallardo, và vận tốc tối đa của xe được công bố ở mức 291 km/h. Tuy nhiên, những gì VW mong muốn còn nhiều hơn thế - công suất lớn hơn, phong cách táo bạo hơn và hệ dẫn động bốn bánh là những đặc điểm xuất hiện trên mẫu Lamborghini Gallardo.

6. Nissan R390 (1997)

Để có thể đưa mẫu R390 vào phân hạng đua GT1, Nissan cần phải tạo ra ít nhất một chiếc thuộc phiên bản dành cho đường phố. Hãng đã tuân thủ yêu cầu này “đúng tới từng chữ” và sản xuất duy nhất một chiếc, từ chối cơ hội sở hữu một mẫu siêu xe chuẩn mực của những khách hàng tiềm năng.

Nissan R390 GT1 phiên bản dành cho đường phố. Video: YouTube/NM2255 | Raw Car Sounds

Nissan R390 về cơ bản không có nhiều khác biệt so với những mẫu xe đua khác, ngoại trừ việc không được trang bị cánh gió sau. Hãng không công bố chi tiết sức mạnh của khối động cơ, chỉ cho biết công suất tối đa “trên 345 hp” và momen “trên 490 Nm”, vậy nên khó có thể dự đoán cỗ máy V8 3,5L đã được thay đổi ở mức độ nào. Nhà thiết kế Ian Callum chính là người đứng sau dáng hình của chiếc xe này.

7. TVR Speed 12 (1997)

Peter Wheeler là một người không bao giờ ngừng tham vọng theo đuổi sự hoàn mỹ và mẫu Speed 12 phản ánh rõ nét nhất tinh thần ấy.

Một số hình ảnh của TVR Speed 12. Ảnh: TopGear

Sau thành công của các mẫu xe của ông trong thập niên 1990, Wheeler đặt tham vọng cạnh tranh ở phân hạng GT1 của giải đua rally đầy khắc nghiệt nơi xuất hiện những gã khổng lồ như Porsche và Mercedes. Ông hoàn toàn có đủ công cụ để hiện thực hóa điều đó với mẫu Speed 12, trang bị khối động cơ V12 7,7L với công suất lên tới 800 hp.

Dù đã tham gia và cạnh tranh ở vòng loại, Speed 12 chưa từng một lần được thi đấu tại Le Mans, và dự án phát triển phiên bản đường phố cùng thời điểm cũng bị dừng lại dù đã nhận được một số đơn đặt hàng. Dù mức giá chỉ 188.000 bảng, công suất mà xe đạt được lên tới khoảng 960 hp. Vì vậy Wheeler quyết định hoàn trả tiền cọc cho khách hàng bởi ông cho rằng mẫu xe này quá mạnh để được lưu thông trên đường phố.

8. Volkswagen W12 (1997)

Volkswagen đã thể hiện những nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý dành cho những siêu xe của hãng. Hãng khởi đầu với mẫu W12 Syncro vào năm 1997, sau đó một năm là W12 Roadster và cuối cùng là W12 Nardo vào năm 2001. Tất cả các phiên bản đều sử dụng khối động cơ W12 mà sau này được trang bị trên Bentley Continental GT, cũng như mẫu sedan hạng sang có phần kém tên tuổi là Phaeton.

Volkswagen W12. Ảnh: Autocar

Hai phiên bản concept đầu tiên sở hữu công suất “chỉ” 420 hp từ phiên bản động cơ W12 5,6L, nhưng trên W12 Nardo, cỗ máy này sở hữu sức mạnh tới 591 hp. Với công suất đó, Nardo có khả năng tăng tốc từ 0-96 km/h trong 3,5 giây và vận tốc tối đa đạt được lên tới 356 km/h.

Mẫu xe này đã giúp Volkswagen nhận thấy rằng phát triển một mẫu siêu xe là ý tưởng không tồi. Tuy nhiên, hãng xe nước Đức đã thay thế logo của họ trên mẫu xe này thành logo Bugatti và trang bị khối động cơ W16 huyền thoại cho xe.

9. Bentley Hunaudières (1999)

Hunaudières được đặt theo tên của một đoạn đường trong trường đua Le Mans, tuy nhiên nhiều người khi nói tiếng Anh thường gọi mẫu xe này là Mulsanne Straight để dễ phát âm. Bentley, nhà vô địch giải đua 24 giờ tới 5 lần từ năm 1924 tới 1930, đã dành cái tên này cho một mẫu xe concept được trưng bày tại triển lãm Geneva năm 1999.

Bentley Hunaudières. Ảnh: Autocar

Đây là cột mốc đánh dấu sự kiện lần đầu tiên, và tới giờ cũng là lần duy nhất, khối động cơ W16 được trang bị trên một mẫu xe sản xuất thương mại. Nếu cỗ máy này nghe có phần quen thuộc, đây chính là khối động cơ 8,0L được trang bị trên siêu xe Bugatti Veyron. Vì lẽ đó, có thể nói Bentley Hunaudières cũng đã đi vào sản xuất.

10. Volkswagen W12 Nardo (2001)

Nardo là mẫu siêu xe thứ ba và cũng là cuối cùng trang bị khối động cơ W12 được tạo ra bằng cách kết hợp hai cỗ máy VR6 của Volkswagen. Trên Syncro và Roadster, khối động cơ này có dung tích xi lanh 5,6L, Tuy nhiên trên Volkswagen W12 Nardo, con số này được tăng lên 6,0L, từ đó công suất được nâng lên mức 590 hp.

Năng lực của mẫu xe này đã được kiểm chứng qua màn thể hiện ngoạn mục khi chạy với vận tốc trung bình hơn 320 km/h trong 24 giờ trên một đường đua thử ở Ý. Một phiên bản đi vào sản xuất có lẽ sẽ vô cùng tuyệt vời, tuy nhiên xe có thể sẽ cần một cái tên khác.

Một số hình ảnh của Volkswagen W12 Nardo. Ảnh: autoevolution, Road & Track.

Doanh số ảm đạm của mẫu sedan hạng sang Phaeton ra mắt sau đó cũng phần nào cho thấy số tiền mà khách hàng sẵn lòng chi trả cho một mẫu xe mang logo Volkswagen không thực sự cao như những gì hãng kỳ vọng.

11. Cadillac Sixteen (2003)

Mang hình hài gợi cho người xem liên tưởng đến những mẫu xe xuất hiện trong phim hoạt hình của Marvel, Cadillac Sixteen sở hữu khối động cơ khủng không kém – cỗ máy V16 13,6L. Sức mạnh được truyền qua hộp số tự động tới cầu sau và công suất được cho là lên tới 1.000 hp.

Tuy nhiên, Cadillac vẫn tự tin vào khả năng tiết kiệm nhiên liệu của mẫu xe này khi hãng trang bị cho xe công nghệ Active Fuel Management có khả năng ngắt tới 12 xi lanh khi không cần đến.

Một số hình ảnh của Cadillac Sixteen. Ảnh: autoevolution

Nhiều người đã kỳ vọng Cadillac sẽ đưa mẫu Sixteen đi vào sản xuất dù là với số lượng giới hạn, nhưng điều đó đã không xảy ra bởi mức giá dành cho khối động cơ và việc phát triển chung của mẫu xe này quá đắt đỏ. Tuy nhiên, nhiều yếu tố trong thiết kế của mẫu Sixteen vẫn xuất hiện trên những dòng xe sau này của Cadillac.

12. Peugeot 907 (2004)

Mẫu 907 có thể được xem như lời đáp trả của Peugeot đối với hai mẫu siêu xe động cơ đặt trước cùng thời – Ferrari 575M Maranello và Mercedes SLR McLaren. Khối động cơ V12 5,9L đặt dọc ở phía sau trục trước nhằm tối ưu phân bổ khối lượng sở hữu mức công suất 500 hp. Cỗ máy này được tạo ra bằng cách kết hợp hai động cơ V6 3,0L sẵn có ở thời điểm đó của Peugeot.

Chiếc Peugeot 907. Ảnh: supercars.net, TopGear

Tương tự như trường hợp của Volkswagen W12 Nardo, nhiều người cho rằng những khách hàng tiềm năng của Maranello hay SLR sẽ không sẵn sàng chi trả số tiền tương đương để sở hữu một mẫu xe mang thương hiệu Peugeot. Tuy nhiên, đây không phải một vấn đề thực sự đáng để quan tâm bởi hãng xe nước Pháp đã quyết định không đưa mẫu 907 vào sản xuất.

13. Ford Shelby GR-1 (2005)

Concept GR-1 có những nét tương đồng với mẫu Shelby Daytona Coupe giữa thập niên 1960, tuy nhiên mẫu xe này lại hoàn toàn hiện đại và được trang bị khối động cơ V10 6,4L với công suất được cho là trên 600 hp.

Ford Shelby GR-1. Ảnh: Autocar

Blue Oval không cho thấy ý định đưa dòng xe này vào sản xuất thương mại. Nhưng vào tháng 1/2019, hãng Superformance đến từ Jupiter, Florida - đơn vị hoàn thiện mẫu Cobra, Ford GT40 và Chevrolet Corvette - tuyên bố sẽ tự sản xuất GR-1, sau khi Đạo luật dành cho các nhà sản xuất xe số lượng thấp được thi hành.

14. Maybach Exelero (2005)

Maybach Exelero không phải một mẫu xe sinh ra nhằm thỏa mãn niềm đam mê bay bổng của đội ngũ thiết kế, nó được tạo ra với chủ đích chạy ở vận tốc trên 350 km/h. Đó là lời giới thiệu vắn tắt từ Fulda - thương hiệu sản xuất lốp xe của Đức – khi họ tiếp cận Mercedes nhằm tìm kiếm một mẫu xe có thể giúp kiểm tra dòng lốp hiệu năng cao mới.

Kết quả thu được là mẫu Exelero với khối động cơ V12 5,9L tương đồng với những mẫu sedan khác của gia đình Maybach, nhưng được tinh chỉnh để tạo ra mức công suất lên tới 690 hp.

Chiếc Maybach Exelero. Ảnh: TopGear

Mẫu siêu xe này hoàn toàn có khả năng đáp ứng những yêu cầu từ Fulda với vận tốc tối đa 350 km/h, và khả năng tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong 4,4 giây. Xe được trang bị loại lốp 315/25 ZR 23 với vành hợp kim độc quyền. Không giống nhiều mẫu xe độc bản khác, Maybach Exelero đã được bán và giờ đây thuộc về xưởng phục chế xe Mercedes có tên Mechatronik.

15. Lamborghini Miura Concept (2006)

Lamborghini khai sinh ra định nghĩa siêu xe khi cho ra mắt Miura vào năm 1966, vì vậy hãng cho rằng họ có thể tiếp tục đánh cược vào một phiên bản làm mới vào năm 2006.

Mẫu Miura Concept đánh dấu kỷ niệm 40 năm ra mắt dòng xe này và được chắp bút bởi Walter de Silva với ngoại hình mượt mà hơn trước. Bên dưới lớp vỏ bắt mắt của xe là nền tảng khung gầm tương tự như trên Murcielago, vì vậy Miura Concept được trang bị khối động cơ V12 6,2L.

Lamborghini Miura Concept. Ảnh: Autocar

Tuy nhiên, khối động cơ trên Miura Concept được đặt dọc thay vì ngang như trên bản gốc. Đây không phải là một vấn đề khó khăn có thể ngăn cản Lamborghini đưa dòng xe này vào sản xuất, hơn nữa một số khách hàng cũng đã sẵn sàng đặt xe. Vậy nhưng, CEO của Lamborghini, ông Stephan Winkelmann đã quả quyết phản đối ý tưởng đó và cho biết công ty sẽ luôn tiến về phía trước, không phải lùi lại quá khứ.

16. Mazda Furai (2007)

Theo nhà thiết kế Franz von Holzhausen, hiện làm việc tại Tesla nhưng đã có quãng thời gian ba năm tại Mazda, mẫu Furai đã “xóa nhòa ranh giới vẫn luôn tồn tại giữa xe hơi đường phố và xe đua”.

Bản chất đây là một chiếc xe đua – cụ thể là mẫu Courage C65 – nhưng Mazda đã tạo ra lớp thân vỏ mới dựa trên triết lý thiết kế Nagare của hãng, nhấn mạnh vào yếu tố dòng chảy cả trong thiết kế lẫn trong kiểm soát luồng không khí.

Khối động cơ với ba roto sử dụng nhiên liệu ethanol sản sinh công suất 450 hp. Furai có lẽ sẽ cần nhiều bước phát triển để có thể vận hành trên đường phố, tuy nhiên điều này không thực sự đáng bàn bởi xe đã bị phá hủy khi bốc cháy trong một buổi chụp hình năm 2008.

Mazda Furai trước và sau khi bốc cháy. Ảnh: TopGear

17. BMW M1 Homage (2008)

Ba mươi năm sau lần đầu tiên thử nghiệm chế tạo siêu xe với mẫu M1, BMW mang đến cho người hâm mộ mẫu M1 Homage tại sự kiện Concorso d’Eleganza Villa d’Esta năm 2008. Sự kiện sang trọng dành cho những mẫu xe cổ điển và concept này thực sự là địa điểm lý tưởng để trình làng một phiên bản M1 nâng cấp, dù BMW không công bố bất cứ chi tiết nào liên quan đến thông số kỹ thuật của dòng xe này.

Một số hình ảnh của BMW M1 Homage. Bộ ba xe từ trái sang: BMW M1 Homage, BMW M1 và BMW Turbo. Ảnh: BMW M

Vì vậy, M1 Homage chỉ dừng lại ở mức độ một mẫu xe trình diễn. Tuy nhiên nó cũng có ảnh hưởng nhất định đối với Vision EfficientDynamics Concept năm 2009 mà sau này trở thành mẫu BMW i8 danh tiếng.

18. Bugatti 16C Galibier (2009)

Tất cả những dòng xe của thương hiệu Bugatti mang dáng vẻ hiện tại (kể từ 1998) đều sử dụng động cơ đặt giữa, nhưng nếu đi vào sản xuất thì 16C Galibier sẽ là trường hợp ngoại lệ.

Mẫu sedan hạng sang này cũng sử dụng khối động cơ W16 8.0L tương tự như trên Veyron (hay hai mẫu concept khác là Bentley Hunaudières và Audi Rosemeyer), tuy nhiên được trang bị hai bộ siêu nạp thay vì bốn bộ tăng áp.

Bugatti 16C Galibier. Ảnh: Autocar

Mẫu xe này đã tiến xa hơn hầu hết các mẫu concept khác trong danh sách này. Bugatti ban đầu đã có kế hoạch biến 16C Galibier thành phiên bản sản xuất thương mại trước khi loại bỏ kế hoạch này. Vào năm 2016 đã có những thông tin cho rằng Giám đốc của hãng thời điểm đó, ông Wolfgang Dürheimer, đã cân nhắc ý tưởng này thêm một lần nữa. Tuy nhiên không có bất kỳ thay đổi nào được đưa ra cho tới nay.

19. Jaguar C-X75 (2010)

Jaguar có truyền thống chiếm lĩnh spotlight tại các triển lãm xe với các mẫu xe thể thao của họ. Và C-X75 cũng đã làm điều tương tự tại triển lãm Paris 2010, dù sau này điều mọi người nhớ hơn về triển lãm đó có lẽ là màn ra mắt tới 5 mẫu concept của Lotus, bao gồm mẫu Esprit.

C-X75 toát lên khí chất của một mẫu siêu xe trên mỗi đường nét thiết kế. Nhưng xa hơn thế, mẫu xe này đã dự báo trước xu hướng điện hóa của tương lai khi được trang bị hệ truyền động hybrid. Xe sở hữu động cơ điện tại mỗi bánh và một động cơ xăng nhỏ trang bị cả tăng áp và siêu nạp lấy cảm hứng từ xe đua F1.

Tổng cộng, xe sở hữu công suất 890 hp tăng tốc từ 0-160 km/h dưới 6 giây và tốc độ tối đa trên lý thuyết lên tới 350 km/h.

Một số hình ảnh của Jaguar C-X75. Ảnh: Car and Driver

Được hợp tác phát triển cùng Williams Advanced Engineering của F1, mẫu C-X75 được kỳ vọng giúp Jaguar cạnh tranh ngang tầm với Ferrari và Lamborghini. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế khó khăn thời bấy giờ khiến mẫu xe này không thể đi vào sản xuất thương mại với mức giá ước tính lên tới 700.000 bảng. Khoảng thời gian ,mà mẫu xe này xuất hiện trên đường sẽ chỉ dừng lại ở việc xuất hiện trong phần phim James Bond Spectre.

20. Lamborghini Asterion (2014)

Dù được tạo ra với phong cách của một mẫu xe thể thao bớt “thuần chủng” so với những mẫu Lamborghini khác, Asterion vẫn là một mãnh thú thực thụ. Ngoài khung gầm sợi carbon liền khối lấy từ Aventador và khối động cơ V10 5,2L sản sinh 602 hp của Huracán, xe còn được bổ sung thêm ba động cơ điện truyền sức mạnh tới trục trước.

Lamborghini Asterion. Ảnh: Autocar

Dù Lamborghini chỉ gọi Asterion là “mẫu xe minh họa về công nghệ hiện đại”, người hâm mộ thực sự đã tin rằng mẫu xe này sẽ đi vào sản xuất thương mại cho đến năm 2015, khi công ty quyết định chuyển hướng sự tập trung sang phát triển mẫu SUV Urus.

Dù có những nuối tiếc nhất định, không thể phủ nhận đây là quyết định đúng đắn của hãng siêu xe nước Ý. Bởi vì nếu đi vào sản xuất thương mại thì rất khó để đạt tới thành công như những gì mà Urus đem về cho hãng xe xứ Sant’Agata.

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Lịch sử xe
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
295
2
lando norris
238
3
charles leclerc
212
4
oscar piastri
195
5
carlos sainz
180
6
lewis hamilton
157
7
sergio pérez
137
8
george russell
127
9
fernando alonso
50
10
lance stroll
24
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.