Khi mà Ricciardo từng được coi là tay đua đỉnh cao trong F1
Có vẻ như là bất kể các tay đua F1 nào (ngoài “cụ” Fernando Alonso ra) rồi cũng sẽ bị thay thế bởi một tài năng trẻ tuổi với mức lương thấp hơn mình mà thôi.
12 năm, 8 chiến thắng, 5 đội đua, 0 chức vô địch là những con số tóm tắt chặng đường tại F1 của Daniel Ricciardo – một trong những tay đua rất được yêu thích.
Daniel Ricciardo (RIC) tìm đường tới Công thức 1 thông qua chương trình đào tạo tay đua trẻ của Red Bull. Anh đã có một chân trong đội F1 của Red Bull vào năm 2014 và giành được cho mình ba chiến thắng tại đây.
Cha của Ricciardo sinh ra tại Sicily, Ý nhưng di cư đến Úc năm 8 tuổi. Tuy nhiên, anh đã quay trở lại châu Âu để theo đuổi giấc mơ F1. Năm 2009, anh giành chức vô địch giải F3 Anh và tiến đến Formula Renault 3.5 vào năm tiếp theo. Tuy nhiên, Ricciardo đã không gặp may khi kết thúc mùa giải chỉ kém nhà vô địch Mikhail Aleshin vỏn vẹn 2 điểm.
Ricciardo đã đua cho Red Bull trong một bài kiểm tra dành cho tân binh tiềm năng sau mùa giải năm đó (và thêm một lần nữa vào năm 2010). Anh vẫn ở lại tham dự Formula Renault 3.5 vào năm 2011, nhưng tâm trí thì luôn hướng về F1. Sau đây là quá trình phát triển của Ricciardo, một trong những tay đua được yêu mến nhất hiện nay, và con đường của anh với F1.
Ricciardo ra mắt khán giả F1 tại GP Anh khi đội HRT đang gặp khó khăn. Anh đầu quân cho đội khi thay thế cho tay đua Narain Karthikeyan.
Trong phần còn lại của mùa giải, anh cho thấy những dấu hiệu của sự tiến bộ khi đối đầu với các đồng đội giàu kinh nghiệm hơn mình. Điều đó đã giúp anh được “thăng hạng” và gia nhập đội Toro Rosso (đội đua chị em với Red Bull) vào năm 2012.
Tại Toro Rosso, Ricciardo đã nhanh chóng phát huy tiềm năng của dòng xe STR7 và về đích thứ chín trong chặng đua trên sân nhà tại Melbourne, Úc. Nhưng 11 chặng đua sau đó nhanh chóng trôi qua và Toro Rosso lại rơi vào bế tắc.
Vào thời điểm đó, James Key được đôn lên thay thế giám đốc kỹ thuật Giorgio Ascanelli, và ông được coi là chiếc phao cứu sinh cho toàn đội. Ricciardo trở thành tay đua thường xuyên ghi điểm trong nửa sau của mùa giải. Tại GP Hàn Quốc, anh bị phạt nâng cấp động cơ và phải xuất phát tại vị trí P21, nhưng anh vẫn về đích ở P9. Kết quả của Ricciardo chắc chắn đã có thể tốt hơn nếu anh không gặp trục trặc kỹ thuật.
Trong mùa giải F1 thứ hai của mình, nhìn chung tay đua người Úc đã có hiệu suất tốt hơn người đồng đội Vergne. Tuy nhiên, do các vấn đề kỹ thuật, cả đội đã không đạt được số điểm quá cao.
May mắn thay, khi một tay đua người Úc khác là Mark Webber (lúc bấy giờ đang trong màu áo của Red Bull) tuyên bố từ giã giải đua Công thức 1, Red Bull đã chọn Ricciardo để thay thế cho mùa giải 2014.
Ricciardo gia nhập đội đương kim vô địch Red Bull ngay khi phong độ của họ đang tuột dốc. Một phần của vấn đề này là vì động cơ trên chiếc RB10 của họ kém xa so với bộ động cơ trên chiếc W05 của Mercedes.
Tuy nhiên trên thực tế, bằng tài năng của Ricciardo, chiếc RB10 của Red Bull vẫn có khả năng chiến thắng ở nhiều chặng đua. Trước sự ngạc nhiên của toàn đội, năm đó, chính anh là người giành được 3 chiến thắng chặng, chứ không phải là Sebastian Vettel – người đồng đội từng bốn lần vô địch F1.
Năm đó, Ricciardo đã không gặp may tại sân nhà ở GP Úc. Nhưng ở Canada, hai chiếc Mercedes gặp sự cố và anh đã tận dụng được lợi thế, xuất sắc vượt qua Sergio Pérez và giành chiến thắng đầu tiên của mình. Anh tiếp tục chuỗi trận thắng tại Hungary và Bỉ. Và khi Vettel chuyển sang đầu quân cho Ferrari, Ricciardo đương nhiên trở thành tay đua chính của Red Bull.
Vào nửa đầu mùa giải thứ hai của Ricciardo tại Red Bull, chiến tích năm 2014 của anh đã không được lặp lại. Mặc dù đã cố gắng khắc phục các sự cố về động cơ, Red Bull vẫn gặp rất nhiều vấn đề. Ricciardo có pha lập công tốt trong chặng mở màn của mùa giải ở quê hương Melbourne, nhưng lại bất lực trong việc ngăn chặn hàng loạt đối thủ vượt qua mình trong những chặng sau đó.
Khi mùa giải gần kết thúc, Red Bull đã nâng cấp động cơ cho Ricciardo với mục đích có thêm lợi thế. Tuy nhiên, điều này khiến anh phải nhận thêm một án phạt (làm ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc của giải), trong khi bộ động cơ mới không cho thấy sự vượt trội cả đội mong chờ.
Tuy nhiên, ít nhất thì Ricciardo cũng đã là một trong số ít tay đua vượt qua được một chiếc Mercedes trên đường đua. Tại GP Mỹ, anh về đích ở vị trí P3. Đây là một trong hai lần hiếm hoi mà anh đứng lên bục podium năm đó. Lần còn lại là ở Singapore, nơi Ricciardo tin rằng chiếc xe của mình có đủ tốc độ để cạnh tranh với Ferrari. Ở chặng này, tên Lửng Mật đã về đích thứ hai.
Mùa giải 2016 là mùa giải đầy thăng trầm với Red Bull khi liên tiếp nhiều cơ hội đã bị bỏ lỡ. Lần đầu tiên tại GP Tây Ban Nha, Ricciardo đã mất chỗ đứng trên bục podium vì một sai lầm trong chiến thuật của đội. Điều khiến cho sự thua cuộc này thậm chí còn khó chịu hơn đối với anh là việc chiến thắng đã thuộc về người đồng đội mới của mình – Max Verstappen.
Tuy nhiên, tại GP Sepang, Ricciardo cuối cùng cũng giành được chiến thắng. Kết thúc cả mùa giải, anh đứng thứ ba sau Hamilton và Rosberg (của Mercedes).
Năm 2017, Ferrari đã cải thiện vượt trội hiệu suất của mình, qua đó đẩy Red Bull xuống vị trí thứ ba chung cuộc.
Năm đó, Verstappen kết thúc mùa giải một cách mạnh mẽ (thắng hai trong sáu chặng cuối), còn Ricciardo luôn là ứng cử viên hàng đầu của bục podium. Anh đã giành chiến thắng tại Baku (GP Azerbaijan) mặc dù tại đây, đã có lúc anh tụt xuống vị trí P17. Cuối mùa giải, anh đứng thứ 5 và Verstappen giành vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng.
Trong mùa giải thứ hai của mình tại Red Bull, Verstappen có khởi đầu không mấy suôn sẻ. Trong khi đó, Ricciardo lại có phong độ rất tốt. Anh thắng hai trong số sáu chặng mở màn và được nhận định là một ứng cử viên tiềm năng cho chức vô địch.
Tuy nhiên, điều đó đã không kéo dài và niềm tin của anh vào đội đua đã bị suy giảm nghiêm trọng bởi một vụ va chạm với chính người đồng đội của mình ở GP Azerbaijan. Ricciardo cảm thấy cả đội đều đã mắc lỗi khiên tai họa này xảy ra. Khi đó, Verstappen gia hạn hợp đồng thành công để ở lại đội, trong khi tương lai của Ricciardo thì vẫn còn rất mờ mịt.
Cuối cùng vào ngày 3 tháng 8, tay đua người Úc đã đồng ý với các điều khoản để rời Red Bull và gia nhập Renault vào năm 2019.
Việc Ricciardo đầu quân cho Renault không mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Mùa giải 2018, Renault chỉ xếp thứ 4. Trong khi đó, sau khi chuyển sang sử dụng động cơ của Honda, Red Bull lấy lại được phong độ và giành tới bốn chiến thắng.
Kết quả tốt nhất của Ricciardo vào mùa giải năm này đạt được tại Monza, nơi anh và đồng đội là Hülkenberg về đích ở vị trí P4 và P5. Đây cũng là kết quả tốt nhất của toàn đội. Tuy nhiên, Ricciardo bị truất quyền thi đấu tại GP Singapore vì vi phạm luật liên quan đến máy phát điện động năng (MGU-K). Chưa hết, tại GP Nhật Bản, cả hai chiếc xe của Renault đều bị loại vì không tuân thủ quy định với hệ thống phanh.
Năm 2020, Ricciardo đã đạt được những thành tích nổi bật. Tại GP Pháp, anh giành được podium đầu tiên của mình với Renault. Đây cũng là podium đầu tiên của Renault kể từ năm 2011. Sau đó, Ricciardo có thêm một lần đứng trên bục podium nữa ở GP Emilia Romagna. Chung cuộc, anh xếp thứ 5 toàn mùa giải.
Bước sang năm 2021, Ricciardo gia nhập đội đua McLaren và trở thành đồng đội của Lando Norris. Tại GP Ý 2021, anh lần đầu tiên giành chiến thành trong màu áo của McLaren. Kết thúc mùa giải năm đó, anh xếp ở vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng tay đua với 115 điểm giành được, kém hơn 45 điểm so với người đồng đội.
Bước sang năm 2022 cũng trong màu áo McLaren, phong độ của tay đua người Úc giảm sút đáng kể. Đây là mùa giải mà Max Verstappen cùng với Red Bull bắt đầu thể hiện sức mạnh thống trị của mình. Ngược lại, ngồi trên một chiếc xe hoàn toàn mới, Ricciardo được nhận định là “có phong cách lái không phù hợp với xe đua”. Và sau nhiều nỗ lực bất thành, anh kết thúc mùa giải “đáng quên” của mình mà chỉ có trong tay 37 điểm, thấp hơn đáng kể so với con số 122 của Norris.
Rõ ràng, ban lãnh đạo đội đua nước Anh không hề hài lòng về màn trình diễn này. Cuối mùa giải, Ricciardo đành phải nói lời chia tay với McLaren và trở về đầu quân cho Red Bull, nhưng không phải là trên cương vị một tay đua chính mà chỉ là tay đua dự bị.
Có thể bạn đã biết, AlphaTauri là đội đua chị em của Red Bull. Cuối mùa giải 2022, tay đua người Pháp – Pierre Gasly của đội đua này đã chuyển sang thi đấu cho đội Alpine. Cái tên được chọn để thay thế cho Gasly là tài năng trẻ Nyck De Vries (được đôn lên F1 sau khi chứng tỏ được khả năng của mình cùng các chức vô địch giải FE và F2). Tuy nhiên, cho đến hiện tại (tháng 7/2023), sân chơi F1 dường như đang hơi “quá sức” đối với tay đua người Hà Lan.
Sau 10 chặng đã qua của mùa giải 2023, tân binh của AlphaTauri không thể ghi nổi 1 điểm. Rõ ràng là đối với những “cái đầu nóng” tại Red Bull, màn thể hiện này còn tệ hơn cả mức tệ. Như một điều tất yếu, ngay sau chặng GP Anh 2023, đội đua chủ quản đã chính thức thông báo về việc Nyck sẽ ngừng đua cho họ. Cùng với việc thông báo này có hiệu lực ngay lập tức, tay đua được trao cơ hội chứng minh bản thân chính là Ricciardo.
Có thể nói, hành trình của Ricciardo ở F1 là đầy thăng trầm nhưng cũng rất nhiều màu sắc. Dù có thể “số phận” của AlphaTauri năm nay đã sớm “an bài” ở những vị trí được xem là “backmarker” trên bảng xếp hạng, chúng ta vẫn hãy cùng chờ đợi những màn thể hiện ấn tượng của tên Lửng Mật trong nửa cuối của mùa giải năm nay nhé!
Có vẻ như là bất kể các tay đua F1 nào (ngoài “cụ” Fernando Alonso ra) rồi cũng sẽ bị thay thế bởi một tài năng trẻ tuổi với mức lương thấp hơn mình mà thôi.
Việc phải cạnh tranh với một tay đua tầm cỡ như Max Verstappen là một thử thách vô cùng lớn.
Có vẻ như là bất kể các tay đua F1 nào (ngoài “cụ” Fernando Alonso ra) rồi cũng sẽ bị thay thế bởi một tài năng trẻ tuổi với mức lương thấp hơn mình mà thôi.
Tay đua mô phỏng - một người quan trọng về thiết lập xe để đưa ra phản hồi cho các kỹ sư và tay đua, thực hiện những công việc gì để có những phản hồi đó tại F1
Việc phải cạnh tranh với một tay đua tầm cỡ như Max Verstappen là một thử thách vô cùng lớn.
Sau những vấn đề về cánh linh hoạt, giới chuyên môn đã đưa ra một vài giải pháp nhằm hạn chế những bất cập về mặt quy định của FIA.
Chỉ nặng 29 kg nhưng Quark được Koenigsegg khẳng định là động cơ có tỷ lệ momen xoắn - công suất - trọng lượng hàng đầu.
Quá trình phát triển của hộp số PDK từng bị gián đoạn do công nghệ nghèo nàn, nhưng sớm trở lại thăng hoa từ khi được trang bị trên chiếc Porsche 944 Turbo.
Động cơ thùng bằng điện mới toanh này là một minh chứng cho thấy xe điện hoàn toàn có thể đạt hiệu suất cao chẳng thua kém gì những chiếc xe chạy bằng xăng.
Công nghệ hoàn toàn mới đã được Toyota giới thiệu với hy vọng giúp khách hàng giải quyết những tình huống cần di chuyển nhiều xe mà không có đủ tài xế.
Trong 8 năm tới, toàn bộ các sản phẩm hiện tại của Bentley sẽ dần được thay thế bằng những thế hệ xe điện hoàn toàn mới.
Không chỉ là một sản phẩm đột phá về mặt công nghệ, thế hệ pin li-ion thứ 6 của BMW còn được sản xuất với ít hơn 60% lượng khí CO2 và 50% chi phí.
Làm rõ những lầm tưởng khiến Toyota Supra Mk4 được đánh giá quá cao trong giới chơi xe.