ĐĂNG NHẬP
10 chiếc xe đình đám nhất thể thức đua địa hình Group B

10 chiếc xe đình đám nhất thể thức đua địa hình Group B

Trước khi thể thức Group B bị FIA huỷ bỏ do yếu tố an toàn, những chiếc xe như Audi Quattro Sport S1 hay Lancia 037 đều đã kịp tạo ra dấu ấn cho riêng mình.

30 Tháng 09, 2022

Với tốc độ kinh hoàng và sự nguy hiểm vốn có, kỷ nguyên Group B vẫn được xem là thể thức đua “điên rồ” nhất trong lịch sử Giải đua xe Địa hình Thế giới (World Rally Champions, WRC).

Group B chỉ thực sự “nổi đình nổi đám” vào năm 1983, khi Liên đoàn Xe hơi Quốc tế (FIA) công bố một loạt các quy định mới, trong đó bao gồm việc giảm số lượng xe cần sản xuất thương mại (homologation car) và lược bỏ giới hạn về công nghệ và thiết kế đối với những chiếc xe đua.

Khi không còn bị hạn chế áp suất nạp, trọng lượng xe tối thiểu và các vật liệu công nghệ cao, những chiếc xe đua Group B nhanh chóng biến thành những chiếc xe siêu nhanh trên mọi địa hình.

Những màn biểu diễn ấn tượng tại giải đua xe địa hình Group B Bồ Đào Nha. Video: YouTube/ROSMANAO | Racing Motorsport Videos

Khi tốc độ của những chiếc xe đua địa hình tăng lên thì nguy cơ gặp tai nạn cũng tăng đáng kể. Sau một loạt các tai nạn chết người và việc thiếu đi biện pháp kiểm soát đám đông thì Group B chính thức bị tạm ngưng vào năm 1986.

Thể thức này sau đó bị thay thế bởi Group A vào năm 1987, với những chiếc xe đua dựa trên xe sản xuất thương mại.

Mặc dù chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, Group B đã trở thành thể thức đua huyền thoại trong lòng những người hâm mộ đua xe địa hình nói riêng, và người đam mê xe hơi nói chung. Bên cạnh đó, những chiếc xe đua Group B còn được yêu mến do tốc độ cao kinh khủng cùng những công nghệ phức tạp mà các nhà sản xuất trang bị trên những chiếc xe của mình.

Lượng fan hùng hậu đang theo dõi một chiếc xe đua lao qua con dốc. Ảnh: Car Throttle

Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu 10 chiếc xe đua nổi bật nhất trong thể thức này.

10. Audi Quattro Sport S1

Vào thời bấy giờ, xe đua địa hình thường là những chiếc xe đua dẫn động 2 bánh. Lý do là bởi vì hệ thống dẫn động 4 bánh khiến cho chiếc xe đua tăng đáng kể trọng lượng và mất đi khả năng tăng tốc. Tuy nhiên, chiếc Audi Quattro đã thay đổi hoàn toàn điều này với hệ thống dẫn động mang cùng tên.

Khi chiếc xe Audi Quattro ra mắt, Audi đã chứng minh rằng hệ thống dẫn động 4 bánh bám đường vượt trội hơn hẳn hệ dẫn động 2 bánh. Đến cuối năm 1986, chiếc Quattro Sport S1 sản sinh hơn 590 hp công suất, trong khi tổng trọng lượng chỉ có 1,089 kg.

Audi Quattro là mẫu xe huyền thoại từng đưa hệ dẫn động 4 bánh vào giải đua. Ảnh: Motor1, Wikimedia, Dirt Fish

9. Lancia 037

Đây là chiếc xe đua địa hình cuối cùng từng vô địch WRC với hệ thống dẫn động 2 bánh. Tổng trọng lượng của Lancia 037 chỉ là 960 kg. Điều đáng ngạc nhiên là chiếc xe này đã đánh bại chiếc Audi Quattro để giành lấy chức vô địch đội đua vào năm 1983, mặc dù Lancia 037 chỉ sản sinh có 325 hp công suất.

Nhờ vào bề dày kinh nghiệm, chiến thuật tài tình và các tay đua tài năng (bao gồm Walter Rohrl, Attilio Bettega và Markku Alen), Lancia đã xuất sắc đạt được cúp vô địch WRC.

Lancia 037 thu hút sự chú ý trên đường đua. Ảnh: Wikipedia, Supercars, Motor1

8. Peugeot 205 T16

Chiếc Peugeot 205 T16 là nhân tố chấm dứt sự thống trị của Audi Quattro tại giải WRC. Cụ thể, chiếc xe của Peugeot nhẹ hơn và sản sinh nhiều công suất hơn chiếc Quattro Sport S1 của Audi.

Bên cạnh đó, Peugeot còn sử dụng cấu hình động cơ đặt giữa để phân bổ trọng lượng tốt hơn. Kết quả là Peugeot đạt được chức vô địch WRC vào mùa giải 1985.

Mặc dù Group B chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, Peugeot 205 T16 đã trở thành chiếc xe đua thành công nhất trong lịch sử thể thức này, bao gồm 2 chức vô địch tay đua, 2 chức vô địch đội đua và tổng cộng 16 chiến thắng chặng.

Peugeot chọn cấu hình động cơ đặt giữa trên chiếc 205 T16. Ảnh: Motor1

7. Ford RS200

Ford RS200 có mọi thứ để trở thành một chiếc xe đua địa hình thành công – động cơ đặt giữa, dẫn động 4 bánh và khung gầm nhẹ. Tuy nhiên, trước khi Ford RS200 có thể thử sức tại WRC thì FIA đã dừng Group B.

Trong lần đầu ra mắt của mình, chiếc RS200 đã đạt được vị trí thứ ba chung cuộc. Từ đó, người ta thấy được tiềm năng của RS200 khi có thể cạnh tranh với Peugeot 205 T16. Nhưng cuối cùng thì người hâm mộ lại không thể chứng kiến được cuộc so tài này.

Ford RS200 chưa có nhiều cơ hội để thể hiện tiềm năng. Ảnh: RedBull, PICKOOTECH, Car Throttle

6. Renault 5 Turbo

Ban đầu, để tham gia thể thức đua Group 4, chiếc Renault 5 Turbo đã được hiệu chỉnh để trể nên hoàn toàn khác biệt so với phiên bản sản xuất thương mại. Chiếc xe dùng cho giải đua địa hình sử dụng động cơ đặt giữa và hệ dẫn động cầu sau, trong khi phiên bản đường trường lại được trang bị động cơ đặt trước và hệ dẫn động cầu trước.

Chiếc Renault 5 Turbo được thiết kế bởi Bertone, với cấu hình động cơ đặt giữa được lấy cảm hứng từ chiếc xe đua Lancia Stratos từ đầu thập niên 1980. Bên cạnh đó, chiếc Renault 5 Turbo còn truyền cảm hứng để Renault ra mắt chiếc Clio V6 sau này.

Renault 5 Turbo và Renault Clio V6. Ảnh: Rally Group B Shrine, Evo, Carscoops

5. MG Metro 6R4

Mẫu xe Metro là mẫu xe bán chạy nhất của MG lúc bấy giờ, nhưng chiếc 6R4 (6 xi lanh, động cơ đặt giữa và dẫn động 4 bánh) được dùng để cạnh tranh tại Group B lại là một chiếc xe hoàn toàn khác. Vào mùa giải 1985, công suất tối đa của chiếc 6R4 là 410 hp.

Về mặt kỹ thuật, chiếc MG Metro 6R4 được gia công bởi đội đua Williams F1. Ngoài ra, xe còn được trang bị cánh gió “khổng lồ”, giúp cho chiếc xe có độ bám đường tuyệt vời. Điều thú vị là chiếc MG Metro 6R4 này chính là lựa chọn yêu thích nhất của huyền thoại đua xe địa hình Colin McRae.

MG Metro 6R4 với độ bám rất tốt nhờ cánh gió cỡ lớn ở đuôi xe. Ảnh: Motorsport Retro, Wikimedia, Car Advice

4. Mitsubishi Starion 4WD

Để tiếp bước Lancer 2000 Turbo tại WRC thì Mitsubishi đã cho ra mắt chiếc Starion 4WD được dựa trên mẫu xe thể thao Starion của hãng trong thập niên 1980. Phiên bản đua WRC của chiếc Starion có tổng chiều dài ngắn hơn và sử dụng những chiếc đèn pha truyền thống (thay cho đèn pha xếp (pop-up headlights) của phiên bản sản xuất thương mại).

Chiếc Starion 4WD sản sinh hơn 350 hp công suất cùng tổng trọng lượng chỉ hơn 953 kg. Với thông số tương đối ấn tượng này, Mitsubishi có thể cạnh tranh lại với Peugeot, Audi và Lancia trong thể thức Group B.

Không may thay, trước khi Mitsubishi Starion 4WD kịp được công nhận để tham gia WRC thì FIA đã ngừng Group B.

Ngoại thất chiếc Mitsubishi Starion 4WD. Ảnh: Wikipedia, The Drive, Flickr

3. Ferrari 288 GTO

Cùng chung số phận với chiếc Starion 4WD của Mitsubishi, chiếc xe đua 288 GTO của Ferrari cũng không có cơ hội để thử sức trong thể thức Group B của WRC. Sẽ là một điều thú vị khi thấy Ferrari tham gia giải đua xe địa hình. Lý do là bởi vì Ferrari thường nổi danh với những giải đua xe trên đường nhựa.

Nếu Group B vẫn còn được tiếp tục tổ chức thì Ferrari từng có dự định sản xuất 20 chiếc 288 GTO Evoluzione để đạt chuẩn tham gia WRC. Tuy nhiên, do thể thức bị ngừng nên về sau này, dự án 288 GTO Evoluzione biến thành một trong những chiếc xe “đỉnh” nhất trong lịch sử xe hơi – chiếc Ferrari F40.

Ferrari 288 GTO là nguồn gốc tạo nên huyền thoại Ferrari F40. Ảnh: Forza Magazine, Motor1, Evo

2. Opel Manta 400

Mặc dù không đủ cạnh tranh với những chiếc xe đua Group B khác do sử dụng cấu hình lỗi thời (động cơ đặt trước, dẫn động cầu sau), chiếc Opel Manta 400 vẫn là một trong những chiếc xe đua tân tiến nhất lúc bấy giờ.

Toàn bộ thân vỏ của chiếc xe đua được làm từ vật liệu Kevlar, và tổng công suất của chiếc xe là 275 hp.

Điều đáng chú ý là không như những chiếc xe đua Group B khác, Manta 400 còn được sử dụng tại các giải đua xe địa hình quốc gia. Cụ thể, xe được tay đua Jimmy McRae sử dụng để giành chức vô địch giải đua xe địa hình Anh (British Rally Championship).

Điều làm nên sự tuyệt vời của Opel Manta 400 là bộ thân vỏ siêu nhẹ và bền bỉ. Ảnh: Wikimedia, Racing Cars - Wikidot, Wallpaper Access

1. Lancia Delta S4

Không kém phần quan trọng trong danh sách này là chiếc xe đua từng đặt dấu chấm hết cho thể thức Group B – Lancia Delta S4.

Chiếc Lancia Delta S4 là “kẻ kế nhiệm” của Lancia 037. Xe được bổ sung hệ thống dẫn động 4 bánh và động cơ đặt giữa, tương tự như chiếc Peugeot 205 T16.

Động cơ I4 với dung tích 1.8L của chiếc xe được trang bị hệ thống hút khí cưỡng bức kép, bao bồm một bộ tăng áp và một bộ siêu nạp. Sự kết hợp này cho ra công suất tối đa 500 hp. Ngoài ra, tổng trọng lượng của chiếc Delta S4 chỉ là 890 kg nhờ vào khung xe dạng ống (tubular space frame) và thân vỏ Kevlar.

Chiếc Lancia Delta S4 bên trong bảo tàng và trên đường đua thực tế. Ảnh: Wikipedia, Garage Dreams, Dirt Fish

Kết quả của sự kết giữa mức công suất “khổng lồ” và tổng khối lượng siêu nhẹ là tai nạn chết người khiến cho Henri Toivonen và Sergio Cresto thiệt mạng vào năm 1986 tại Tour de Corse. Trong vụ tai nạn này, chiếc Delta S4 đã bốc cháy sau khi lao xuống khe núi.

Chính vụ tai nạn này đã dẫn đến việc FIA hủy bỏ thể thức đua xe địa hình Group B, đồng thời đặt dấu chấm hết cho thời kỳ vàng son của đua xe địa hình.

Tai nạn kinh hoàng của tay đua Henri Toivonen. Video: YouTube/Goorgepussi

Bạn nghĩ sao về những chiếc xe đua Group B “huyền thoại” trên đây? Liệu rằng quyết định của FIA khi chấm dứt thể thức này có phải là đúng đắn?

Hãy để lại suy nghĩ của mình tại phần bình luận bên dưới. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này trên Otoman.net!

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Góc nhìn xe
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
295
2
lando norris
238
3
charles leclerc
212
4
oscar piastri
195
5
carlos sainz
180
6
lewis hamilton
157
7
sergio pérez
137
8
george russell
127
9
fernando alonso
50
10
lance stroll
24
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.