ĐĂNG NHẬP
Kế hoạch sử dụng tấm chắn bùn bất thành của F1

Kế hoạch sử dụng tấm chắn bùn bất thành của F1

FIA hiện giờ chỉ còn có 2 lựa chọn: trì hoãn dự án này đến năm 2026, hoặc là từ bỏ nó hoàn toàn.

10 Tháng 01, 2024

Đáng lẽ những phiên bản nguyên mẫu của những tấm chắn bùn cho gói “Wet Weather Package” của F1 (tạm dịch là gói setup dành riêng cho trời mưa), đã phải được thử nghiệm xong xuôi vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, bài thử nghiệm ấy hiện đã được dời sang tháng 5 năm 2024 do những rào cản về tài chính cũng như trong khâu hậu cần.

Nguyên nhân là vì FIA trông chờ vào những đội đua tự nguyện để có được những linh kiện mới. Nhưng rốt cuộc là không đội nào có thể tự mình sản xuất những chi tiết mới này mà không cần đến nguồn cung từ bên ngoài.

Buổi chạy thử tại Silverstone hồi tháng 7 năm 2023, khi mà Mick Schumacher cầm lái một chiếc Mercedes được gắn thêm tấm chắn, và Oscar Piastri trong một chiếc McLaren phiên bản tiêu chuẩn để có thể so sánh được các thông số, cuối cùng lại không mang lại lợi ích gì nhiều.

Ông Nicholas Tombazis, trưởng ban bộ môn đua xe bánh hở của FIA, thú nhận rằng những mẫu tấm chắn đầu tiên là “quá nhỏ” và do đó “không có mấy hiệu quả” trong việc cải thiện tầm nhìn cho những tay đua phía sau.

Kết quả đáng thất vọng là thế (nhất là khi tính đến mục tiêu giảm thiểu 50% lượng nước bị hất lên đằng sau xe), nhưng ông Tombazis vẫn khá lạc quan khi cho rằng dù sao đây vẫn chưa phải là giải pháp cuối cùng. Những thông số mà họ thu thập được sẽ vô cùng hữu ích trong việc xác định đúng phương hướng phát triển sau này.

Nguyên mẫu tấm chắn bùn cho xe F1 của FIA. Ảnh: The Race/FIA

“Mọi việc phải thực sự ổn thỏa nếu ta muốn đưa những chi tiết thử nghiệm này vào ứng dụng thực tiễn, nếu không thì sẽ phải dời sang năm 2026. Nó sẽ trở thành một phần của bộ luật đua mới.”

“Còn trong trường hợp mà buổi chạy thử năm tới không thành công thì có thể dự án này sẽ phải bị hủy bỏ để thay bằng một giải pháp khác.”

Bản chất cơ chế khí động học của xe đua F1 không cho phép ta loại bỏ hoàn toàn lượng nước mưa bị hất lên gây cản trở tầm nhìn. Tuy nhiên, FIA hy vọng họ có thể phần nào làm giảm thiểu tác hại của hiện tượng này bằng phiên bản thứ hai sẽ được đưa vào thử nghiệm sắp tới. Nhưng nếu như chính phiên bản ấy lại cũng không thành công thì thật khó để hình dung xem FIA sẽ làm gì tiếp theo.

Tất nhiên là ta không thể để câu chuyện của chặng GP Bỉ năm 2021 tái diễn một lần nữa, nhưng đôi khi hệ quả của những quy tắc vật lí là không thể tránh khỏi.

Chặng đua GP Bỉ đã bị hủy bỏ một cách hỗn loạn chỉ sau 3 vòng đua sau xe an toàn. Ảnh: The Race

Đến một lúc nào đó thì điều kiện khắc nghiệt với tầm nhìn vô cùng bị hạn chế do mừa bão sẽ là quá nguy hiểm để đưa những chiếc xe đua bánh hỏ ra đấu với nhau, cho dù mặt đường không quá ướt đi chăng nữa.

Tombazis và FIA đều có chung quan điểm khi cho rằng hiệu ứng mặt đất có được trên thế hệ những chiếc xe F1 hiện tại không phải là lí do dẫn tới hiện tượng này. Bởi vì theo họ thì đây là hệ quả của xu hướng thiết kế chung từ bao thế hệ luật đua hiện đại chứ không phải là do luật đua mới gây ra.

Vấn đề nan giải hiện tại là làm sao để giảm thiểu lượng nước bị hất lên phía sau mà không làm ảnh hưởng đến lượng downforce được sản sinh ra. Bởi cả hai yếu tố trên đều là hệ quả trực tiếp của các chi tiết khí động học trên xe.

“Hiện tại vẫn chưa thể khẳng định được lượng nước bị bộ khuếch tán hút lên nhiều hơn hay lượng nước văng ra từ lốp xe nhiều hơn”, ông Tombazis nhận định.

Ông cũng cho rằng cả hai đều là nguyên nhân chính cho vấn đề này, nhưng ông khẳng định những hạn chế về tầm nhìn trong trời mưa là điều không thể tránh khỏi và không thể bị loại bỏ 100%.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có thể quy định một chế độ xe được thiết lập riêng cho trời mưa. Tuy nhiên, nếu nó trở thành sự thật thì đây sẽ lại là một vấn đề khiến cho các đội đua phải đau đầu về mặt tài chính cũng như trong khâu hậu cần.

Một mẫu xe được thiết kế chỉ để chạy trong trời mưa hay là một bộ kit để lắp thêm vào xe đều là vô cùng tốn kém, đồng thời cũng rất bất tiện nếu muốn đưa vào sử dụng.

Theo như lời của ông Tombazis thì có vẻ như FIA đang cố gắng làm giảm hiệu ứng hút nước của bộ khuếch tán gió một cách tự nhiên trong luật đua của năm 2026. Họ hy vọng rằng đây sẽ là một giải pháp đủ hiệu quả để có thể giảm thiểu được tối đa lượng nước bị hất về phía sau khi được kết hợp với một bộ tấm chắn bùn sau này.

Tuy nhiên, chính giải pháp này cũng đã và đang gặp trở ngại không hề nhỏ: làm sao để mà FIA có thể làm giảm hiệu ứng hút nước mà không làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản sinh downforce của bộ khuếch tán?

Hơn nữa, chính nguyên mẫu tấm chắn bùn trước kia được đưa ra chạy thử cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến độ bám của xe, khiến việc điều khiển chiếc xe vốn đã khó lại càng khó hơn trong điều kiện đường trơn.

“Thật khó để lắp đặt thêm một vài chi tiết phụ mà không làm ảnh hưởng gì đến tính khí động học của xe”, ông Tombazis chia sẻ. “Trở ngại lớn nhất lúc này là lắp tấm chắn bùn như thế nào mà vẫn bảo toàn được downforce. Được cái này thì lại mất cái kia.”

Rõ ràng là vậy, nếu bắt các tay đua phải đánh đổi độ bám để đổi lấy một chút tầm nhìn trong mưa thì liệu chặng đua có thực sự trở nên an toàn hơn hay không?

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Kỹ thuật
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
295
2
lando norris
238
3
charles leclerc
212
4
oscar piastri
195
5
carlos sainz
180
6
lewis hamilton
157
7
sergio pérez
137
8
george russell
127
9
fernando alonso
50
10
lance stroll
24
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.