ĐĂNG NHẬP
Bernd Maylander và những chiến công thầm lặng

Bernd Maylander và những chiến công thầm lặng

Các fan có thể đã không còn lạ lẫm với khái niệm Safety Car trong F1, nhưng liệu có mấy ai biết đến nỗ lực của những người ngồi sau vô lăng?

01 Tháng 12, 2023

Mùa giải 2023 khép lại, đánh dấu tròn 50 năm kể từ khi chiếc xe an toàn (Safety Car) đầu tiên được đưa vào sử dụng trong F1 – một chiếc xe đóng vai trò chủ đạo trong việc duy trì sự an toàn cho tất cả các tay đua tham dự. Và đứng đằng sau vô lăng trong suốt 25 năm qua không ai khác chính là Bernd Maylander.

Trong chặng GP Canada năm 1973, chiếc Porsche 914 mui trần với 2 chiếc cờ vàng phía sau đã được tay đua Eppie Wietzes cầm lái trên trường đua Mosport Park, đánh dấu những bước đi đầu tiên trong nỗ lực nâng cao và duy trì sự an toàn của giải đua.

Hai thập kỉ tiếp theo chứng kiến sự xuất hiện của chiếc Porsche 911 và Lamborghini Countach với vai trò tương tự, nhưng phải đến mùa giả 1993 thì định nghĩa “xe an toàn” mới chính thức được đưa vào luật đua.

Những chiếc xe được sử dụng lúc bấy giờ bao gồm Fiat Tempra, Ford Escort RS Cosworth, Opel Vectra, Honda Prelude, Porsche 911 GT2, Lamborghini Diablo và Renault Clio.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của chiếc Mercedes-Benz C36 AMG đã làm thay đổi cuộc chơi. Hãng xe đến từ Đức bấy giờ đã kí hợp đồng với F1, với tư cách là nhà phân phối và cung cấp xe an toàn độc quyền cho giải đua – một vị trí mà giờ đây họ chia sẻ với ông lớn Aston Martin.

1. Hành trình sự nghiệp của Maylander

Sinh ra 2 năm trước khi chiếc xe an toàn đầu tiên được sử dụng, tay đua đến từ Đức sau nhiều năm miệt mài phấn đấu đã có cơ hội tham gia giải đua DTM (Deutsche Tourenwagen Masters) cũng như FIA GT trong những cỗ máy của Mercedes.

Tuy nhiên, Maylander đã thực sự gặt hái được thành công trong giải đua phụ của F1: Porsche Supercup. Do đó mà ông đã được Charlie Whiting cũng như Herbie Blash đưa vào cân nhắc khi họ đang cần tìm một tay đua tài năng để lấp đầy một vị trí trống trong giải đua Formula 3000 (tương đường với giải Formula 2 hiện hành).

“Vào năm 1999, tôi đã nhận được một cuộc gọi từ Herbie và Charlie”, Maylander chia sẻ. “Họ hỏi tôi: ‘Với tư cách là một tay đua của giải Porsche Supercup, liệu anh có thể đảm nhận vị trí lái xe an toàn cho Formula 3000 được không?’. Và tôi nói: ‘Tại sao không nhỉ?’, bởi tôi cũng đã quá quen việc cầm lái những chiếc xe của Mercedes rồi.”

“Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với những nhân vật nổi bật trong giới F1. Cho đến lúc đó thì tôi chưa bao giờ được trực tiếp tham gia một chặng đua cả... Đây thực sự là một điểm nhấn trong sự nghiệp của tôi.”

Chỉ sau một năm đảm nhận chức vụ kia, Maylander đã được thăng chức lên làm cho F1. Và thế là, vào ngày 12 tháng 3 năm 2000, tại chặng đua GP Úc mở màn mùa giải đầu của thiên niên kỉ mới, hành trình của ông bắt đầu...

Maylander bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là người điều khiển chiếc FIA F1 Safety Car đúng 25 năm về trước. Ảnh: Formula 1

“Tôi vẫn còn nhớ y nguyên ngày đó”, Maylander nhận xét. “Peter Tibets, một lái phụ dày dặn kinh nghiệp lúc bấy giờ, đã giúp tôi làm quen. Anh ấy nói: ‘Bernd à, nó vẫn giống như thế, chỉ là khác thời gian đua thôi.’”

“Nhưng không phải là không có áp lực. Tôi đã rất lo lắng. Tôi cũng đã được điều động ra trường đua ngay trong chặng đó. Nhưng mà đó là trách nhiệm của tôi... Tôi đã quen với việc đưa chiếc xe đến ngay sát giới hạn của nó, cho nên đây chỉ là một công việc tương tự ở trong một tình huống khác mà thôi.”

2. Hai thập kỉ cải tiến xe an toàn

Sự phát triển về mặt công nghệ cũng như luật đua của F1 kéo theo nhiều lĩnh vực khác, và xe an toàn cũng không là ngoại lệ.

“Nó đã thay đổi đáng kể”, ông đưa ra nhận định. “Hiện tại thì ta có thể phát huy được 100% những công nghệ hiện đại. Ngồi trên ghế lái là tôi có thể được cung cấp đầy đủ các loại thông tin qua radio, các kỹ sư cũng như hệ thống máy tính trên xe.”

Maylander điều khiển chiếc Mercedes SLS Safety Car tại trường đua Singapore năm 2013. Ảnh: Formula 1

Kể cả những chi tiết nhỏ như một lối đi tắt, lực li tâm hay vị trí chính xác của sự cố cũng đều được thể hiện trên hệ thống GPS.

“Nếu nhìn lại 20 năm về trước, cách sắp xếp và tổ chức cũng tương đối tốt. Tuy nhiên, hiện tại thì công nghệ đã phát triển đến mức mà ta có thể tận dụng được hết tất cả các luồng thông tin một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn.”

3. Mr. Bernd hay Mr. Bond?

Bên cạnh những cải tiến về mặt kỹ thuật cũng như công nghệ, chính chiếc xe an toàn cũng trải qua không ít những thay đổi theo thời gian. Mercedes dần dần trình làng những mấu xe mới hơn, nhanh hơn và hiện đại hơn, còn Aston Martin lần đầu tiên đồng hành cùng họ với tư cách là nhà cung cấp xe an toàn từ mùa giải 2021.

Maylander cũng không quên nhắc tới đội ngũ thợ máy đằng sau những khâu chuẩn bị cũng như bảo hành những chiếc xe từ thứ Tư đến hết Chủ Nhật của một tuần đua, với hai hãng xe “cung cấp hết 100%”.

Aston Martin đã trở thành nhà đồng cung cấp xe an toàn kể từ năm 2021, đồng hành cùng Mercedes. Ảnh: Formula 1

“Thật tuyệt vời khi chúng ta hiện có 2 hãng xe cùng đồng hành”, ông chia sẻ. “Chúng ta có 2 đội thợ từ mỗi hãng xe với 3 người mỗi đội. Họ đến trường đua từ chiều thứ Ba hoặc sáng thứ Tư để chuẩn bị máy móc thiết bị cũng như bảo trì cho cả xe thuốc men (Medical Car) lẫn xe an toàn (Safety Car).”

“Chiếc Mercedes hiện tại là thế hệ mới nhất của dòng GT. Với 730 hp sản sinh ra từ động cơ 4.0L V8 turbo kép, đây là một chiếc xe chạy track tuyệt vời. Tất nhiên là ta cũng có thể lái nó trên đường bộ, nhưng bản chất thì nó vẫn là một chiếc xe đua thực thụ với gói nâng cấp công suất, khí động học, hệ thống kiểm soát độ bám (traction control) lẫn cụm hộp số (transaxle).”

“Ngoài ra, giờ đây ta còn có thêm chiếc Aston Martin Vantage phiên bản F1... Khi ngồi lên lái một chiếc Aston mang sắc xanh truyền thống của Anh, tôi lại có cảm giác mình như là James Bond vậy.”

4. Nhiệm vụ của Maylander và đồng đội

Công việc của ông Maylander bắt đầu vào mỗi thứ 5 hàng tuần, bắt đầu bằng một vòng chạy thử kéo dài 1 tiếng đồng hồ ngay sau công đoạn kiểm tra sơ bộ chiếc xe. Nhờ đó mà ông vừa có thể nhẩm lại tất cả những khúc cua của trường đua, vừa chắc chắn rằng tất cả các thiết bị điện tử đều đang hoạt động tốt.

Xe an toàn Aston Martin và Mercedes-AMG tại trường đua Bahrain 2021. Video: Formula 1 / FOM

Sau một số những vòng chạy thử cuối cùng, trường đua lại náo nhiệt trở lại khi mà F1 cùng với các giải đua cấp dưới khác tổ chức những buổi chạy riêng trong một tuần đua chung.

“Trong những phút cuối ngay trước khi đường pit bật đèn xanh cho các tay đua của chúng ta, tôi biết chắc chắn nhiệm vụ của mình là gì”, ông chia sẻ. “Tôi sửa soạn bộ đồ đua, xỏ giày từ phải qua trái rồi đi tới trường đua.”

Sau khi Niels Wittich – trưởng ban điều hành chặng đua – hoàn thành vòng chạy thử đầu tiên của mình trước tất cả các sự kiện đua của F1 nhằm đánh giá chất lượng trường đua, Maylander sẽ liên lạc với Wittich qua radio để kiểm tra hệ thống một lần cuối.

“Một khi đèn tìn hiệu vụt tắt và vòng đua chính thức bắt đầu, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Vì thế mà tôi luôn phải sẵn sàng trong mọi tình huống.”

Nhưng ông không làm tất cả những việc này một mình. Như Tibbetts trước đây, ông luôn có lái phụ Richard Darkers đồng hành với tư cách là chuyên gia về công nghệ và tình báo, giúp cho Maylander có thể hoàn toàn tập trung vào việc lái xe.

Bernd Maylander và lái phụ, Richard Darker. Ảnh: Formula 1

“Chắc chắn là không thể phủ nhận vai trò của người lái phụ kế bên”, ông giải thích. “Anh ấy phụ trách việc liên lạc với ban điều hành chặng đua (Race Control). Ngồi trong chiếc xe an toàn mà tôi có cảm giác như là đang ngồi trong buồng lái máy bay vậy.”

“Khi mà ta phải đưa ra những quyết định đúng đắn vào những thời điểm thích hợp, việc có một người đồng hành kế bên là vô cùng hữu ích. Kể cả khi chặng đua không có nhiều biến cố xảy ra, thật tuyệt khi tôi không phải ngồi một mình trên xe.”

5. Đồng hành sát sao cùng các tay đua và đội đua

Trong sự nghiệp của mình, Bernd Maylander đã hoàn thành hàng trăm các vòng đua, dẫn đầu biết bao thế hệ các tay đua từ newbie đến “lão luyện” đang nóng lòng được quay trở lại cuộc đua ở phía sau.

Lâu lâu sẽ lại có những chặng đua mà ông phải chạy track liên tục do các tay đua đã quá là “hăng máu” khi chiến đấu, hay là điều kiện trường đua khó khăn đến độ “sai một li, đi một dặm” khiến cho nhiều tay đua bị loại khỏi cuộc chơi.

Hợp tác chặt chẽ cùng với các tay đua là một phần tất yếu trong công việc của ông. Ảnh: Formula 1

“Bộ phận điều hành chặng đua cung cấp cho tôi những chỉ dẫn mà các tay đua thường sẽ không bao giờ có, và trong những khoảnh khắc như vậy, tôi luôn phải đặt an toàn lên hàng đầu.”

“Tương tự bất kì tay đua nào trên thế giới, tôi cũng muốn bản thân có thể điều khiển xe một cách nhanh nhất có thể.Tuy nhiên, có những yếu tố mà ta không thể không kể đến, như là những mảnh vỡ trên đường đua, những chướng ngại vật hay đội marshall đang làm nhiệm vụ.”

Điều này giải thích tại sao đôi lúc các tay đua phàn nàn về tốc độ của Safety Car. Riêng về phía Maylander thì ông hoàn toàn có thể thông cảm với các tay đua và sẵn sàng giải thích cho họ biết được cặn kẽ tình huống nói trên.

6. Chặng đua đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Maylander

Từ chặng GP Úc năm 2000 cho đến chặng đua tại Abu Dhabi 2023, Maylander đã tham dự gần 300 chặng đua trong suốt sự nghiệp của mình. Vậy thì liệu chặng đua nào là đáng nhớ nhất đối với ông?

Theo Maylander, những chặng đua với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và trắc trở như Fuji 2007 hay Montreal 2011 - khi mà ông dẫn đầu đoàn đua phải đến tận 25 đến 30 lap tất cả - lại chính là những khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ.

Maylander dẫn đầu đoàn đua F1 trong trời mưa tầm tã tại GP Nhật Bản năm 2007. Ảnh: Formula 1

“Hoặc là khi mà tôi có cơ hội được hộ tống những tay đua tên tuổi trở về gara sau chặng đua. Điển hình như là Michael Schumacher tại Hockenheim năm 2001, khi mà cậu ấy đã theo dõi toàn bộ chặng đua tại khúc chicane đầu tiên. Tôi đã bắt gặp cậu ấy trong vòng cuối cùng quanh trường đua, và thế là cậu ấy đã nhảy lên xe tôi để mà quay về gara. Đúng là một khoảnh khắc khó quên!”

“Tôi không muốn nói là mình đã thực sự tham gia trực tiếp vào những chặng đua đó, nhưng tôi đã được tận mắt chứng kiến trực tiếp chặng đua, thấy được các tay đua trong gương chiếu hậu. Và tôi nghĩ tất cả chúng đánh dấu những kí ức mà ta không thể nào có thể quên được, từ những chặng đua gay cấn và kịch tính cho đến cả những va chạm bất ngờ.”

7. Những tiềm năng trong tương lai của Safety Car

Với tư cách là một trong những thành viên dày dặn kinh nghiệm nhất trong F1, Maylander chia sẻ rằng ông vẫn không hề có ý định từ bỏ và sẽ gắn bó với chiếc xe an toàn trong một thời gian dài sắp tới.

“Tôi vẫn không cảm thấy mình thực sự đang ở tuổi 52. Tôi vẫn đang còn đầy nhiệt huyết trong mình. Tôi vẫn háo hức những khi chuẩn bị cho mỗi chặng đua, và tôi vẫn còn trong mình đam mê.”

“Nếu là 20 năm trước đây, tôi sẽ không bao giờ có thể đoán được là mình có thể có cơ hội được trả lời phỏng vấn kỉ niệm 50 năm Safety Car như ngày hôm nay.”

Ông cũng không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của các fan, cũng như là sự ủng hộ đấy nhiệt huyết của họ đối với F1. Hơn nữa, ông cũng vô cùng tự hào với những nỗ lực hợp tác của FIA, FOM, Liberty Media cộng với các thành viên trong F1.

“Chúng ta như là một gia đình lớn vậy”, ông nói

“Tôi chỉ muốn đóng góp công sức của mình vì sự an toàn của giải đua. F1 lâu nay vẫn không bao giờ làm tôi thất vọng, và mùa giải năm nay cũng không là ngoại lệ. Tôi rất vui khi mà mình có thể cùng tham gia các chặng đua và hỗ trợ ngay lập tức và bất cứ khi nào có thể.”

Bình luận
Chưa có bình luận nào cho bài viết.
Hãy là người đầu tiên bình luận!
quảng cáo
Mới nhất về Bên lề
GP Saudi Arabia
Tay đua
điểm
1
max verstappen
295
2
lando norris
238
3
charles leclerc
212
4
oscar piastri
195
5
carlos sainz
180
6
lewis hamilton
157
7
sergio pérez
137
8
george russell
127
9
fernando alonso
50
10
lance stroll
24
quảng cáo
Đọc nhiều trong tuần
Theo dõi Otoman
Kỹ thuật Xe hơi hiệu năng cao
Công nghệ Xe hơi hiện đại
Write Your Name on the Seal of Quality
© 2022 Otoman LLC 313 Trần Phú, Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
Điện thoại: 0982566568. Email: contact@otoman.net. Không sao chép dưới mọi hình thức trừ khi có sự cho phép bằng văn bản.